Sáng nay 30/1, tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Viện công nghệ VinIT tổ chức Hội thảo khoa học "Mô hình và giải pháp xây dựng, quản lý Khu CNC" nhằm tìm giải pháp xây dựng Khu CNC với mô hình tổ chức quản lý, hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong phát triển Khu CNC.
Việt Nam hiện có 4 Khu CNC đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong đó có 3 Khu CNC Quốc gia (sử dụng vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn vốn khác) gồm: Khu CNC Hòa Lạc tại Hà Nội (1.586 ha), Khu CNC Đà Nẵng (1.010 ha), Khu CNC TP.Hồ Chí Minh (913 ha); và Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai sử dụng ngân sách địa phương. Mục tiêu chung xây dựng các Khu CNC là phát triển thành một thành phố KH&CN, đô thị sinh thái và thông minh. Khu CNC được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới. Các Khu CNC là tiền đề quan trọng để Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng côn nghiệp lần thứ 4.
Hiện nay, Chính phủ tiếp tục định hướng thành lập mới các Khu CNC theo mô hình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giao cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa khác và quản lý Khu CNC này, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có tiềm năng/tiềm lực chủ động trong công tác đầu tư xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết: Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung rất nhiều nguồn lực cho việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, dịch chuyển cơ cấu sản xuất theo hướng ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại, tiên tiến tạo ra các sản phảm công nghệ mới, sử dụng công nghệ ít hao tốn năng lượng và vật liệu, áp dụng sâu các quá trình tự động hóa, điện tử hóa và số hóa nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, phù hợp xu hướng phát triển chung của thời đại. Tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, cây dược liệu vốn là thế mạnh của tỉnh (sâm Ngọc Linh, quế Trà My,..). Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011- 2020 và giai đoạn tiếp theo là phát triển công nghiệp - dịch vụ; phấn đấu đưa Quảng Nam cơ bản thành tỉnh khá trong cả nước năm 2020, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh những chính sách ưu tiên cho phát triển CNC, Quảng Nam có Khu KTM Chu Lai là nơi có nhiều điều kiện và cơ hội cho phát triển CNC.
Công ty TNHH CCI Việt Nam - một doanh nghiệp CNC tại Khu kinh tế mở Chu Lai
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, nguồn nguyên liệu tại Khu kinh tế mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam dồi dào, có thể phát triển đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư trong việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm CNC. Năng lực nội sinh tại Khu kinh tế mở Chu Lai khá tốt, nhất là về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ; có đầy đủ 4 loại đường: đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không; có bệnh viện Đa khoa Trung ương; có 02 trường dạy nghề và nhiều tiện tích xã hội khác như: nhà hàng, khách sạn, logistic, ngân hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Khu kinh tế mở Chu Lai được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 Khu kinh tế ưu tiên phát triển, được Thường trực Ban Bí thư thống nhất chủ trương cho phép hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia tại đây. Bộ Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cũng đã thống nhất và ủng hộ chủ trương phát triển Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt - Hàn mang bản sắc văn hóa Hàn Quốc tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Khu kinh tế mở Chu Lai cũng đã có doanh nghiệp CNC (Công ty TNHH CCI Việt Nam) đã tham gia vào chuổi giá trị sản xuất toàn cầu với sản phẩm là chip điện tử, đây sẽ là tác nhân, động lực để kích thích các doanh nghiệp khác đến với CNC.
Để thúc đẩy phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, trong năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến 2025, tầm nhìn 2030. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác về KH&CN với Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam. Và mới đây, ngày 18/01/2018, tỉnh Quảng Nam và Bộ KH&CN đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 với mục tiêu đưa KH&CN vào phục vụ thiết thực, hiệu quả đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Dây chuyền sản xuất, chế tạo ứng dụng CNC tại Công ty CP ô tô Trường Hải thuộc Khu KTM Chu Lai
“Việc hình thành và phát triển Khu CNC sẽ làm đầu tàu, là động lực cho phát triển khoa học, công nghệ, góp phần đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực tri thức, CNC cho phát triển của đất nước. Thông qua hội thảo lần này, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp thu các thông tin bổ ích từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các nhà khoa học để tỉnh có những định hướng đúng, phù hợp cho hoạch định chính sách phát triển KH&CN nói chung và CNC nói riêng tại tỉnh trong những năm đến”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các nhà khoa học đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để phát triển thành công mô hình Khu CNC. Theo Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, điều kiện cần để xây dựng và vận hành một Khu CNC cần có 5 yếu tố, đó là: có con người tâm huyết và chuyên nghiệp; có vốn đầu tư đủ ngưỡng; có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng tốt; có quy hoạch khoa học; và có cơ chế chính sách phù hợp. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công của Khu CNC. Sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc xã hội hóa các nguồn đầu tư cho Khu CNC, xã hội hóa càng nhiều thì phát triển càng nhanh và vững chắc. Giáo sư Chu Hảo cũng hy vọng trong 3 năm nữa Đề án Khu CNC Quảng Nam bắt đầu được triển khai và 5 năm nữa một Đô thị Công nghiệp – Khoa học thông minh sẽ được hình thành trên mảnh đất đầy tiềm năng này.
Linh Chi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn